Là một trong những mô hình mang lại thu nhập cao nên nuôi chim yến trong nhà đang khá phát triển ở Tiền Giang, nhà nhà, người người đua nhau xây "biệt thự" nuôi yến. Tuy nhiên, không phải ai cũng thu được tiền tỷ, chưa kể nhiều mô hình còn tiềm ẩn rủi ro, phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường...
Chim yến bay lượn dày đặc trên các nhà cao tầng ở TX Gò Công.
Mô hình siêu lợi nhuận
Đến thị xã Gò Công những ngày này, mọi người dễ dàng chứng kiến cảnh chim yến bay lượn trên bầu trời. Trên những nóc nhà cao tầng, từng đàn chim yến tung tăng chao lượn, âm thanh từ chiếc loa phóng thanh nhằm dẫn dụ yến vang lên inh ỏi. Khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi chim yến phát triển, ở phố cổ Gò Công, nhiều nhà cao tầng sang trọng mọc lên chỉ để dành cho chim yến.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn thị xã Gò Công có hơn 100 hộ dân chuyên nuôi chim yến. Nhiều nhất là khu vực dọc bờ sông cầu Long Chánh, đường Nguyễn Huệ (phường 1), khu vực Ao Trường Đua, đường Nguyễn Văn Côn (phường 2)... Ngay cả khu Dinh Tỉnh Trưởng (thời chế độ cũ), một ngôi nhà cổ trên 100 tuổi cũng là "đại bản doanh" của chim yến. Nuôi chim yến được đánh giá là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ nuôi thường sử dụng phương tiện thông tin dẫn dụ chim yến vào nhà làm tổ. Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi mỗi nhà một khác, các hộ cũng không phổ biến cho nhau mà chủ yếu vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, hoặc thuê chuyên gia tư vấn.
Ông Huỳnh Kim Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Chánh cho biết: "Muốn nuôi chim yến phải chuẩn bị nguồn vốn tương đối lớn bởi nếu không xây được nhà cao, to thì rất khó dụ yến vào. Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo thành công cho mô hình là phải nắm chắc kỹ thuật nuôi cũng như dụ yến. Hiện, Hội Nông dân chỉ có thể tuyên truyền giúp bà con nắm vững kỹ thuật chứ chưa thể trợ giúp về vốn".
Không chỉ ở thị xã Gò Công, tại nhiều địa phương thuộc các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, thậm chí TP.Mỹ Tho cũng "nở rộ" phong trào xây nhà dẫn dụ chim yến. Tại xã Long Bình (Gò Công Tây), nơi xuất hiện đàn yến sào đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, đã có hơn 20 hộ dân gắn bó với mô hình này. Nhiều hộ dân từ TP.Hồ Chí Minh và các địa phương khác cũng đến đây mua đất, xây nhà để dẫn dụ chim yến.
Cần kế hoạch dài hơi
Tuy tổ yến có giá cao, nuôi chim yến đang mang lại siêu lợi nhuận nhưng nghề này đang gặp phải không ít khó khăn. Trước hết, do chưa nắm vững kỹ thuật nên số hộ nuôi thành công không nhiều, trường hợp của ông Lê Văn Luân ở ấp Long Hưng, xã Long Chánh là một ví dụ. Ông đầu tư xây nhà 3 tầng nuôi chim yến với kinh phí hơn 1 tỷ đồng nhưng vẫn không thể dẫn dụ được đàn yến vào hoặc chúng vào rồi lại bỏ đi, căn nhà cho yến ở nay bỏ hoang. Chưa kể việc nuôi chim yến ồ ạt không theo quy hoạch ở Tiền Giang còn làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Nhất là tại thị xã Gò Công, âm thanh phát ra từ đĩa CD hay máy cassette để "gọi" yến suốt ngày, đêm khiến cho không khí thêm ngột ngạt. Chim yến tập trung quá nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, để nuôi chim yến cần có vốn đầu tư lớn trong khi rủi ro cao nên nhiều hộ dân dễ lâm vào cảnh nợ nần.
Trước phong trào nuôi chim yến ồ ạt, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã khảo sát, tiến hành lập quy hoạch vùng nuôi kèm theo những quy định đối với mô hình này. Tuy nhiên đến nay, mọi kế hoạch vẫn nằm trên giấy. Chính quyền các địa phương đang lúng túng trong công tác quản lý.
Nuôi chim yến không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển và bảo vệ động vật quý hiếm mà còn tăng thêm mặt hàng xuất khẩu có giá trị cho địa phương. Do đó các ngành chức năng ở Tiền Giang cần có những kế hoạch dài hơi như: quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để giúp cho người dân yên tâm gắn bó với mô hình.